Dù còn khó khăn nhưng Chính phủ vẫn đầu tư 8.050 tỉ đồng cho giai đoạn 1 (cả hai giai đoạn là 16.200 tỉ đồng) cho thấy tầm quan trọng của sân bay này trong việc thúc đẩy Phú Quốc phát triển.
Nói đến Phú
Quốc, từ bao năm qua người dân VN và bạn bè quốc tế đều dùng hai chữ
“đảo ngọc” để lột tả những gì mà thiên nhiên đã ban tặng cho hòn đảo
này. Bởi vị trí địa lý, thời tiết, bờ biển, thắng cảnh... của Phú Quốc
quá đặc biệt, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Không ít nhà
đầu tư trong và ngoài nước cũng tìm đến Phú Quốc. Năm 2004, Thủ tướng
đã phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc (quyết định 178, sau
đó được điều chỉnh bằng quyết định 633) mục tiêu xây dựng thành trung
tâm du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Thế nhưng,
đến nay tiềm năng của Phú Quốc vẫn ngủ yên. Năm 2011, Phú Quốc chỉ đón
hơn 350.000 lượt du khách, trong đó có 78.000 lượt khách quốc tế. Trong
khi đảo Langkawi của Malaysia có diện tích nhỏ hơn, từ cách đây năm năm
đã đón hơn 2,3 triệu lượt du khách.
Đưa vào khai
thác sân bay quốc tế có thể đón trên 2,6 triệu lượt khách..., nhiều
người kỳ vọng sẽ là làn sóng các nhà đầu tư bỏ vốn làm ăn, kéo theo đó
là làn sóng khách du lịch. Sự kỳ vọng này là hợp lý, nhưng thực tế sẽ
không dễ dàng nếu việc thay “chiếc áo đã quá chật” cho Phú Quốc vẫn cứ
“lình xình” như bao lâu nay.
Điển hình
cho sự “lình xình” này là chuyện thu hút các dự án casino vào Phú Quốc.
Tại buổi làm việc với các bộ ngành vào cuối tháng 10-2012, đại diện UBND
tỉnh Kiên Giang cho biết từ năm 2007 đến nay đã có 11 nhà đầu tư nước
ngoài đến đặt vấn đề xin đầu tư vào casino.
Trong đó, có
nhiều nhà đầu tư có tên tuổi. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư
nào được cấp phép, triển khai dự án, do địa phương “chưa biết bắt đầu
từ đâu, tiêu chí chọn dự án như thế nào...?”. Không thể chờ đợi, nhiều
nhà đầu tư đã dứt áo ra đi...
Không thể đổ
hết trách nhiệm cho địa phương, bởi suy cho cùng với cơ chế hiện tại
Phú Quốc vẫn chỉ là đơn vị hành chính cấp huyện, giống bao huyện đảo
khác như Lý Sơn, Côn Đảo, Kiên Hải. Thủ tục hành chính đối với nhà đầu
tư, kêu gọi vốn cho hạ tầng... vẫn phải qua nhiều tầng, nhiều lớp. Đặc
biệt, thiếu hẳn một chính sách thu hút đầu tư nhằm tạo nên sự hấp dẫn
khác biệt nên sẽ khó thu hút được nhà đầu tư vào Phú Quốc.
Tại các hội
thảo, hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị cần tách Phú Quốc trở thành đặc khu
hoặc thành phố trực thuộc trung ương nhằm giúp hòn đảo này nhanh chóng
chớp thời cơ phát triển. Tuy nhiên, đến nay tất cả vẫn chỉ là những ý
kiến, bàn thảo, đề xuất.
Cứ thế này,
cơ hội tăng tốc cho hòn đảo ngọc này sẽ còn tiếp tục... chờ. Sẽ là lãng
phí khi hàng ngàn tỉ đồng đã đổ ra cho sân bay mới để tạo bàn đạp, tạo
bước nhảy đột phá cho Phú Quốc nhưng bàn đạp ấy lại không được tận dụng.
XUÂN TOÀN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét